Cách deal lương tinh tế cho ứng viên đi phỏng vấn

Trong mỗi buổi phỏng vấn, mức lương mong muốn cho vị trí ứng tuyển chắc chắn là câu hỏi không thể thiếu từ phía nhà tuyển dụng. Thường có rất nhiều người ngần ngại hay né tránh khi được hỏi tới vấn đề này vì họ cho rằng nếu đề cập tới lương quá thẳng thắn sẽ tạo ấn tượng không tốt đối với nhà tuyển dụng. Nhưng điều này không hoàn toàn đúng đâu nhé, nếu bạn biết cách deal lương thật khéo léo thì không những bạn có thể đạt được mức lương như kì vọng mà còn tạo được ấn tượng tốt với nhà tuyển dụng nữa.

1.    Chọn thời điểm thích hợp để deal lương

Điều tối kị nhất khi đi phỏng vấn đó chính là chăm chăm hỏi về lương thưởng khi làm việc tại công ty ngay khi mới bắt đầu cuộc trò chuyện. Dĩ nhiên, ai đi làm cũng đều muốn được trả một mức lương xứng đáng, nhưng nói vào lúc nào lại là một câu chuyện khác. Tốt nhất là bạn đừng chủ động hỏi trước, thường thì khi gần kết thúc buổi phỏng vấn, sau khi đã nắm được năng lực cũng như đánh giá được bạn là ứng viên thế nào, bên tuyển dụng sẽ chủ động hỏi bạn, đây mới chính là lúc bạn nên bàn về lương thưởng.

Hiện tại có khá nhiều người vẫn nhầm lẫn và không phân biệt được lương gross và lương net dẫn đến việc hiểu lầm khi deal lương. Lương gross là tổng thu nhập hàng tháng của bạn bao gồm lương cơ bản, các khoản trợ cấp trong đó có cả tiền bảo hiểm và tiền thuế. Còn lương net là mức lương bạn thực nhận sau khi đã trừ thuế thu nhập cá nhân và bảo hiểm, điều đó có nghĩa là lương net sẽ thấp hơn lương gross. Bạn cần phải nắm rõ để biết được mức lương thực sự công ty đề xuất cho mình là bao nhiêu.

  • Cẩn thận khi nói về mức lương cũ

Ở hầu hết các công ty hiện nay, khi bạn tới phỏng vấn sẽ cung cấp cho bạn một tờ phiếu để bạn điền những thông tin cần thiết trong đó bao gồm cả mức lương ở công ty cũ của bạn. Họ sẽ dựa vào đó để tham khảo trong việc đánh giá trình độ cũng như cân nhắc mức lương sắp tới cho bạn. Vì vậy hãy thật thận trọng khi đưa ra con số cho mức lương cũ, vì đa số các công ty sẽ có xu hướng đề xuất mức lương mới chỉ nhỉnh hơn một chút so với lương cũ của ứng viên, trong khi rất có thể vị trí bạn đang ứng tuyển thực chất có một mức lương cao hơn nhiều. Tuy nhiên, điều này cũng không có nghĩa là bạn nên khai gian với bên tuyển dụng một mức lương cũ quá chênh lệch so với năng lực và vị trí mà bạn từng đảm nhiệm. Trước khi tới buổi phỏng vấn, bạn nên tham khảo mức lương trung bình trên thị trường dành cho vị trí mà mình đang ứng tuyển để biết cách deal lương sao cho hợp lí.

3.    Cho họ thấy giá trị của bạn trong buổi phỏng vấn.

Dù việc deal lương có khó ra sao thì có một sự thực rõ ràng là mức lương sẽ tỉ lệ thuận với năng lực và khả năng đóng góp của bạn cho công ty trong tương lai. Chính vì vậy, nếu bạn muốn đạt được mức lương trong mơ thì điều bạn cần làm là cho nhà tuyển dụng thấy được giá trị của bạn lớn thế nào. Một khi thấy được tiềm năng ở bạn thì họ sẽ không ngần ngại mà đề xuất cho bạn một mức lương tương xứng đâu.

  • Đừng đưa ra một con số cụ thể nào

Cách deal lương thông minh là không vội vàng đưa ra con số cụ thể khi được nhà tuyển dụng hỏi tới, thay vào đó, bạn phải khéo léo đẩy câu hỏi về phía họ để bạn mới là người được lựa chọn. Bạn có thể đưa ra một khoảng dao động mức lương mà mình mong muốn, sau đó nói thêm rằng “Tuy nhiên, tôi cũng rất sẵn lòng thương lượng thêm nếu tình hình tài chính của công ty không phù hợp với mức lương này”. Khi nghe tới câu này, nhà tuyển dụng chắc chắn sẽ bật mí cho bạn khoản lương mà họ đã chuẩn bị trước và nghĩ rằng phù hợp với bạn, từ đó hai bên sẽ dễ dàng thương lượng hơn. Không chỉ vậy, việc bạn chủ động đề cập tới tình hình tài chính công ty sẽ giúp bạn được đánh giá là người biết suy nghĩ cho công ty của mình.

  • Đừng vội đồng ý hay từ chối ngay nếu mức lương không như ý

Lương của bạn không chỉ đơn giản là hàng tháng bạn nhận được bao nhiêu tiền từ công việc đó, mà còn bao gồm cả phúc lợi mà bạn được hưởng tại công ty trong suốt quá trình làm việc. Nhiều công ty có thể đưa ra mức lương không hấp dẫn cho lắm nhưng bù lại chế độ và phúc lợi như ngày nghỉ phép, nghỉ lễ, phụ cấp ăn trưa, đi lại, hoa hồng, duyệt tăng lương định kì… lại rất tốt thì cũng rất đáng để bạn xem xét trước khi từ chối.

Hoặc nếu bạn rơi vào trường hợp cả lương và phúc lợi đều không như kì vọng thì bạn hoàn toàn có thể xin phép công ty cho bạn thêm 1 – 2 ngày để cân nhắc. Điều này sẽ cho họ thấy được rằng bạn thực sự nghiêm túc ứng tuyển nhưng vẫn còn đắn đo ở điểm nào đó. Sau khi về nhà, hãy liên hệ lại với công ty và bày tỏ nguyện vọng xem họ có thể nâng mức lương hay không, lúc đó bạn đưa ra quyết định cuối cùng vẫn chưa muộn.

  • Những câu không nên nói khi deal lương
  • Tôi cần…: Nên nhớ bạn là người tìm việc, điều mà nhà tuyển dụng quan tâm là bạn có thể đem lại những lợi ích gì cho công ty, họ cần gì ở bạn và bạn có thể đáp ứng được những gì, họ sẽ không quan tâm đến những nhu cầu cá nhân của bạn đâu.
  • Tôi thấy người khác có mức lương cao hơn cho vị trí này: “Người khác” đó rất có thể có gấp đôi số năm kinh nghiệm so với bạn, vì vậy đừng so sánh và khiến nhà tuyển dụng đánh giá bạn là người thiếu chuyên nghiệp lại còn vụng giao tiếp nhé.
  • Có rất nhiều công ty đang tuyển dụng tôi: Thay vì thế, hãy nói: “Có một bên công ty khác đang đề nghị cho tôi mức lương X nhưng tôi nghĩ bản thân phù hợp với công ty mình hơn vì…”

Thương lượng lương là kĩ năng vô cùng quan trọng và rất có thể sẽ khiến bạn thành người thiếu chuyên nghiệp nếu không biết cách deal lương sao cho khéo. Hy vọng rằng bài viết trên đã giúp bạn có được thêm những kĩ năng cần thiết để hoàn thành buổi phỏng vấn sắp tới thật tốt. Chúc bạn tìm được công việc và đạt được mức lương mình mong ước.

  • Category: 9