Cách deal lương tinh tế cho ứng viên đi phỏng vấn

Trong mỗi buổi phỏng vấn, mức lương mong muốn cho vị trí ứng tuyển chắc chắn là câu hỏi không thể thiếu từ phía nhà tuyển dụng. Thường có rất nhiều người ngần ngại hay né tránh khi được hỏi tới vấn đề này vì họ cho rằng nếu đề cập tới lương quá thẳng thắn sẽ tạo ấn tượng không tốt đối với nhà tuyển dụng. Nhưng điều này không hoàn toàn đúng đâu nhé, nếu bạn biết cách deal lương thật khéo léo thì không những bạn có thể đạt được mức lương như kì vọng mà còn tạo được ấn tượng tốt với nhà tuyển dụng nữa.

1.    Chọn thời điểm thích hợp để deal lương

Điều tối kị nhất khi đi phỏng vấn đó chính là chăm chăm hỏi về lương thưởng khi làm việc tại công ty ngay khi mới bắt đầu cuộc trò chuyện. Dĩ nhiên, ai đi làm cũng đều muốn được trả một mức lương xứng đáng, nhưng nói vào lúc nào lại là một câu chuyện khác. Tốt nhất là bạn đừng chủ động hỏi trước, thường thì khi gần kết thúc buổi phỏng vấn, sau khi đã nắm được năng lực cũng như đánh giá được bạn là ứng viên thế nào, bên tuyển dụng sẽ chủ động hỏi bạn, đây mới chính là lúc bạn nên bàn về lương thưởng.

Hiện tại có khá nhiều người vẫn nhầm lẫn và không phân biệt được lương gross và lương net dẫn đến việc hiểu lầm khi deal lương. Lương gross là tổng thu nhập hàng tháng của bạn bao gồm lương cơ bản, các khoản trợ cấp trong đó có cả tiền bảo hiểm và tiền thuế. Còn lương net là mức lương bạn thực nhận sau khi đã trừ thuế thu nhập cá nhân và bảo hiểm, điều đó có nghĩa là lương net sẽ thấp hơn lương gross. Bạn cần phải nắm rõ để biết được mức lương thực sự công ty đề xuất cho mình là bao nhiêu.

  • Cẩn thận khi nói về mức lương cũ

Ở hầu hết các công ty hiện nay, khi bạn tới phỏng vấn sẽ cung cấp cho bạn một tờ phiếu để bạn điền những thông tin cần thiết trong đó bao gồm cả mức lương ở công ty cũ của bạn. Họ sẽ dựa vào đó để tham khảo trong việc đánh giá trình độ cũng như cân nhắc mức lương sắp tới cho bạn. Vì vậy hãy thật thận trọng khi đưa ra con số cho mức lương cũ, vì đa số các công ty sẽ có xu hướng đề xuất mức lương mới chỉ nhỉnh hơn một chút so với lương cũ của ứng viên, trong khi rất có thể vị trí bạn đang ứng tuyển thực chất có một mức lương cao hơn nhiều. Tuy nhiên, điều này cũng không có nghĩa là bạn nên khai gian với bên tuyển dụng một mức lương cũ quá chênh lệch so với năng lực và vị trí mà bạn từng đảm nhiệm. Trước khi tới buổi phỏng vấn, bạn nên tham khảo mức lương trung bình trên thị trường dành cho vị trí mà mình đang ứng tuyển để biết cách deal lương sao cho hợp lí.

3.    Cho họ thấy giá trị của bạn trong buổi phỏng vấn.

Dù việc deal lương có khó ra sao thì có một sự thực rõ ràng là mức lương sẽ tỉ lệ thuận với năng lực và khả năng đóng góp của bạn cho công ty trong tương lai. Chính vì vậy, nếu bạn muốn đạt được mức lương trong mơ thì điều bạn cần làm là cho nhà tuyển dụng thấy được giá trị của bạn lớn thế nào. Một khi thấy được tiềm năng ở bạn thì họ sẽ không ngần ngại mà đề xuất cho bạn một mức lương tương xứng đâu.

  • Đừng đưa ra một con số cụ thể nào

Cách deal lương thông minh là không vội vàng đưa ra con số cụ thể khi được nhà tuyển dụng hỏi tới, thay vào đó, bạn phải khéo léo đẩy câu hỏi về phía họ để bạn mới là người được lựa chọn. Bạn có thể đưa ra một khoảng dao động mức lương mà mình mong muốn, sau đó nói thêm rằng “Tuy nhiên, tôi cũng rất sẵn lòng thương lượng thêm nếu tình hình tài chính của công ty không phù hợp với mức lương này”. Khi nghe tới câu này, nhà tuyển dụng chắc chắn sẽ bật mí cho bạn khoản lương mà họ đã chuẩn bị trước và nghĩ rằng phù hợp với bạn, từ đó hai bên sẽ dễ dàng thương lượng hơn. Không chỉ vậy, việc bạn chủ động đề cập tới tình hình tài chính công ty sẽ giúp bạn được đánh giá là người biết suy nghĩ cho công ty của mình.

  • Đừng vội đồng ý hay từ chối ngay nếu mức lương không như ý

Lương của bạn không chỉ đơn giản là hàng tháng bạn nhận được bao nhiêu tiền từ công việc đó, mà còn bao gồm cả phúc lợi mà bạn được hưởng tại công ty trong suốt quá trình làm việc. Nhiều công ty có thể đưa ra mức lương không hấp dẫn cho lắm nhưng bù lại chế độ và phúc lợi như ngày nghỉ phép, nghỉ lễ, phụ cấp ăn trưa, đi lại, hoa hồng, duyệt tăng lương định kì… lại rất tốt thì cũng rất đáng để bạn xem xét trước khi từ chối.

Hoặc nếu bạn rơi vào trường hợp cả lương và phúc lợi đều không như kì vọng thì bạn hoàn toàn có thể xin phép công ty cho bạn thêm 1 – 2 ngày để cân nhắc. Điều này sẽ cho họ thấy được rằng bạn thực sự nghiêm túc ứng tuyển nhưng vẫn còn đắn đo ở điểm nào đó. Sau khi về nhà, hãy liên hệ lại với công ty và bày tỏ nguyện vọng xem họ có thể nâng mức lương hay không, lúc đó bạn đưa ra quyết định cuối cùng vẫn chưa muộn.

  • Những câu không nên nói khi deal lương
  • Tôi cần…: Nên nhớ bạn là người tìm việc, điều mà nhà tuyển dụng quan tâm là bạn có thể đem lại những lợi ích gì cho công ty, họ cần gì ở bạn và bạn có thể đáp ứng được những gì, họ sẽ không quan tâm đến những nhu cầu cá nhân của bạn đâu.
  • Tôi thấy người khác có mức lương cao hơn cho vị trí này: “Người khác” đó rất có thể có gấp đôi số năm kinh nghiệm so với bạn, vì vậy đừng so sánh và khiến nhà tuyển dụng đánh giá bạn là người thiếu chuyên nghiệp lại còn vụng giao tiếp nhé.
  • Có rất nhiều công ty đang tuyển dụng tôi: Thay vì thế, hãy nói: “Có một bên công ty khác đang đề nghị cho tôi mức lương X nhưng tôi nghĩ bản thân phù hợp với công ty mình hơn vì…”

Thương lượng lương là kĩ năng vô cùng quan trọng và rất có thể sẽ khiến bạn thành người thiếu chuyên nghiệp nếu không biết cách deal lương sao cho khéo. Hy vọng rằng bài viết trên đã giúp bạn có được thêm những kĩ năng cần thiết để hoàn thành buổi phỏng vấn sắp tới thật tốt. Chúc bạn tìm được công việc và đạt được mức lương mình mong ước.

8 Giải Pháp Cho Bạn Khi Không Biết Thất Nghiệp Làm Gì Để Sống

“Thất nghiệp” hẳn là một từ rất kinh khủng đối với nhiều người trong thời điểm dịch Covid hoành hành hiện nay. Nếu bạn vẫn đang có một công việc ổn định để nuôi sống bản thân vào lúc này, bạn chắc chắn là một trong số ít người may mắn. Còn nếu bạn nằm trong số những người kém may mắn còn lại? Vậy hãy cùng tham khảo 8 lời khuyên dưới đây khi bạn thực sự không biết thất nghiệp làm gì để sống nhé.

  1. Nhận làm hợp đồng hay các công việc mang tính tạm thời

Thất nghiệp thì tất nhiên là chán chường và stress rồi, nhưng dù có thiểu não tới đâu thì hãy nhớ rằng các loại chi phí sinh hoạt vẫn đang chờ bạn đóng hàng tháng. Vì vậy, điều đầu tiên phải làm khi chưa biết thất nghiệp làm gì để sống chính là nhanh chóng tìm kiếm và nhận làm những công việc thời vụ, freelance hay thậm chí việc nhận lương trong ngày để đảm bảo chi tiêu trước đã. Những công việc này có thể không đòi hỏi bằng cấp hay sử dụng sức lao động nhiều, nhưng đừng vì thế mà đánh giá thấp chúng nhé, vì tiền nào cũng là tiền chính tay mình làm ra, miễn sao mình có thể cầm cự qua giai đoạn khó khăn là được.

Trên facebook hiện nay có rất nhiều hội nhóm mở với những công việc thời vụ, freelance hấp dẫn mà bạn có thể tham khảo. Tuy nhiên, trước khi nhận làm bất cứ việc nào, hãy tìm hiểu qua hoặc trao đổi rõ ràng trước nhé, vì thường những công việc này không có hợp đồng nên tình trạng lừa đảo cũng khá phổ biến.

  • Tìm một công việc mới

Nếu bạn có thể tìm được một công việc thời vụ hay freelance thì cũng đừng vội chủ quan nhé, bạn mới chỉ bắt đầu lấy đà thôi. Hãy tranh thủ lúc này, khi bạn còn nhiều thời gian và lựa chọn, bắt đầu tìm kiếm một công việc chính thức mới. Trước hết, hãy nhân lúc này cập nhật lại cho bản thân một chiếc CV mới thật chất lượng với nhiều kinh nghiệm làm việc hơn cùng từ ngữ trau chuốt và chuyên nghiệp hơn. Kế đến là rải CV trên mọi mặt trận có thể để tìm kiếm cánh cửa dành cho mình. Đừng nghĩ rằng bạn rải CV nghĩa là bạn không giỏi, không ai tuyển mới phải trải khắp nơi thế này, thời buổi thị trường việc làm khắc nghiệt như hiện nay thì không ai có thể trao cơ hội vào tay bạn ngoài chính bản thân bạn đâu.

  • Tìm kiếm việc làm ở nhiều nơi khác nhau

Nếu như trước đây bạn từng “kén cá chọn canh” khi lựa chọn công việc thì có lẽ giờ là lúc bạn phải “dễ tính” một chút đi thôi. Công ty ở quá xa nhà, công việc trái ngành, không phù hợp với tính cách, phúc lợi không nhiều, liệu những điều trên có phải lí do bạn đã từng từ chối một công việc nào đó? Nếu đúng vậy thì đây chính là lúc bạn cần đánh dấu sự trưởng thành của mình. Bạn hãy thử chấp nhận một công việc với điều kiện làm việc mà mình không mong muốn xem, và thay vì nghĩ đó là khó khăn thì hãy biến điều đó thành một sự đổi mới cho bản thân. Lúc mà bạn sẵn sàng bước ra khỏi vùng an toàn của mình cũng chính là lúc bạn tự mở rộng cánh cửa cơ hội cho bản thân mình đấy.

  • Theo dõi tin tức về những lĩnh vực tiềm năng

Biết nhiều không bao giờ là thừa, nếu bạn có thể nắm rõ thị trường lao động hiện nay đang thiếu nhân lực ở mảng nào, những lĩnh vực đó đòi hỏi ứng viên có chuyên môn ra sao thì cơ hội bạn tìm được việc mới là vô cùng cao. Vì một khi bạn đã biết xã hội cần gì, bạn hoàn toàn có thể so sánh với năng lực bản thân để biết mình mạnh ở điểm nào, sẽ phù hợp với công việc này hay không, từ đó nâng cao cơ hội kiếm được việc làm.

5. Đầu tư thời gian cho những ý tưởng mới

Thất nghiệp dĩ nhiên không phải là một chuyện vui vẻ gì, nhưng sự thực là thất nghiệp cũng mang lại cho bạn vài điều tích cực đấy. Một trong số đó chính là bạn sẽ có rất nhiều thời gian rảnh. Vậy ngoài tìm kiếm việc làm thì nên dùng thời gian rảnh làm gì đây? Hãy nhìn lại những điểm còn thiếu sót của bản thân trong công việc cũ, từ đó đưa ra giải pháp để thay đổi chất lượng công việc hay tự nâng cao kĩ năng bản thân để chuẩn bị cho công việc mới sắp tới được tốt hơn. Bên cạnh đó cũng đừng để bộ não của bạn đình công quá lâu, hãy cố gắng tư duy và nghĩ ra những ý tưởng mới lạ trong công việc chuyên ngành của bạn. Thử nghĩ tới những vấn đề trước đây mà bạn chưa giải quyết được chẳng hạn, tranh thủ lúc này vận động bộ não và sáng tạo ra cách làm mới xem sao. Chắc chắn điều này sẽ giúp ích bạn rất nhiều trong tương lai đấy.

6. Tiếp cận với nhà tuyển dụng.

Đôi khi sự chủ động của bạn lại chính là chìa khóa để bạn có được công việc mong muốn. Đừng lúc nào cũng đợi bên tuyển dụng liên lạc với bạn trước, hãy chủ động “đánh tiếng” với họ bằng mail ứng tuyển trực tiếp thử xem. Hãy thể hiện cho họ thấy niềm yêu thích của bạn đối với vị trí tuyển dụng và bạn hoàn toàn nghiêm túc khi ứng tuyển cho công ty. Giữa hàng trăm ứng viên thụ động thì một người chủ động chắc chắn sẽ ăn điểm và “lên top” ngay lập tức, tại sao lại không thử nhỉ?

7. Hãy chú trọng đến việc chi tiêu tiền

“Thất nghiệp làm gì để sống sót đây?” chắc hẳn là câu hỏi đầu tiên bật ra trong đầu nếu bạn không may mất việc. Thời buổi kinh tế khó khăn, người tồn tại được chỉ có thể là người linh hoạt biết thích nghi với hoàn cảnh. Thời điểm mới mất việc và chưa kiếm được việc làm mới chắc chắn bạn sẽ phải cắt giảm bớt chi tiêu của mình nếu không muốn rơi vào cảnh chật vật. Những bộ quần áo mới dù rẻ, những ly cà phê ngoài quán sang chảnh dù thơm ngon thật đó nhưng hãy kiên nhẫn chờ tới khi tình hình sáng sủa hơn nhé. Bớt những chi tiêu lặt vặt mỗi thứ một ít, tưởng không nhiều nhưng cộng dồn lại sẽ khiến bạn bất ngờ về khoản tiền mình tiết kiệm được đó.

8.Tự kinh doanh

Tự mình làm chủ một kế hoạch kinh doanh nho nhỏ không quá bất khả thi như bạn nghĩ đâu. Nếu khoản tiền dự phòng của bạn vẫn cho phép thì bạn hoàn toàn có thể thử tự kinh doanh một sản phẩm hay dịch vụ liên quan tới đam mê của bạn xem sao. Bạn thích nấu ăn, hãy thử làm bánh ngọt nhận đặt hàng theo yêu cầu. Bạn thích vẽ, hãy vẽ những bức tranh giá rẻ bán cho học sinh. Bạn mê mua sắm, vậy ngại gì mà không nhận order quần áo đẹp cho các tín đồ thời trang. Dù thành công hay thất bại thì chắc chắn kinh nghiệm tự làm chủ kế hoạch kinh doanh nho nhỏ này sẽ làm CV xin việc mới của bạn sáng bóng hơn rất nhiều đó.

Nếu một ngày bạn không may rơi vào tình trạng không biết thất nghiệp làm gì để sống thì đừng ngần ngại áp dụng thử những lời khuyên trong bài viết nhé. Cánh cửa này đóng lại sẽ có cánh cửa khác mở ra, mà đôi khi cửa mở hay không còn phải chờ bạn hành động. Chúc bạn thành công!