Giúp bạn phân biệt QC là gì? QA là gì?
Nếu bạn đang hoặc sẽ lựa chọn những công việc trong ngành sản xuất để làm việc thì chắc chắn phải có những hiểu biết nhất định về các vị trí phổ biến của ngành nghề này. Một trong những vị trí thường khiến bạn nhầm lẫn chính là QC và QA. Vậy QC là gì? QA là gì? Bài viết này sẽ giúp bạn phân biệt được chính xác đặc điểm của hai vị trí này.
QC là gì?
QC là chữ viết tắt của cụm từ Quality Control. Là tên gọi của nhân viên kiểm soát chất lượng trong các nhà máy, doanh nghiệp sản xuất sản phẩm. Nhân viên kiểm soát chất lượng còn được gọi với cái tên khác là KCS. Nhiệm vụ của QC là trực tiếp kiểm tra từng công đoạn sản xuất, nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm sau khi hoàn thành đúng theo yêu cầu đề ra. Hoặc chúng ta cũng có thể hiểu rằng nhân viên QC là những người sẽ đứng ở vị trí khách hàng để kiểm tra chất lượng của sản phẩm, đảm bảo cung cấp tra thị trường những sản phẩm chất lượng.
Chúng ta thường thấy 3 vị trí phổ biến của nhân viên QC chính là nhân viên kiểm soát chất lượng đầu vào (gọi tắt là IQC), nhân viên kiểm soát chất lượng quy trình sản xuất (gọi tắt là PQC) và nhân viên kiểm soát chất lượng đầu ra (gọi tắt là OQC).
QA là gì?
QA hay Quality Assurance là nhân viên đảm bảo chất lượng cho quy trình sản xuất của các doanh nghiệp. Nhiệm vụ của họ là xây dựng nên các quy trình, hệ thống sản xuất, quản lý chất lượng sản phẩm cũng như thực hiện các công việc đo lường theo quy chuẩn chất lượng đã đề ra. Tức QA sẽ chịu trách nhiệm bao quát về chất lượng của toàn bộ hệ thống sản xuất của doanh nghiệp.
Công việc của QC và QA
Sau khi đã tìm hiểu QC là gì? QA là gì? Tiếp theo, nhằm giúp bạn có thể phân biệt được 2 vị trí này, chúng ta sẽ tìm hiểu công việc cụ thể của QC và QA.
- Nhân viên QC đảm nhận những công việc nào
Như trên đã phân tích, nhân viên QC sẽ có 3 vị trí phổ biến, tương ứng với đó là những công việc khác nhau phù hợp với từng vị trí làm việc:
Đối với nhân viên kiểm soát chất lượng đầu vào (IQC): Họ sẽ có nhiệm vụ kiểm tra chất lượng các nguyên vật liệu đầu vào theo đúng quy định và nếu có vấn đề phát sinh sẽ trực tiếp làm việc, giải quyết vấn đề với nhà cung ứng. Ngoài ra, vị trí này cũng có nhiệm vụ theo dõi tình hình sử dụng nguyên vật liệu trong suốt quá trình sản xuất, đảm bảo nguyên vật liệu được sử dụng đúng, tránh dư thừa, lãng phí. Họ cũng sẽ tham gia vào quá trình phát triển, đánh giá chất lượng sản phẩm mới, hàng mẫu,…
Đối với nhân viên kiểm soát quy trình sản xuất (PQC): Nhiệm vụ của họ sẽ phối hợp cùng QA triển khai quy trình kiểm tra chất lượng sản phẩm trong các công đoạn từ nguyên liệu đến thành phẩm. Trực tiếp kiểm tra quá trình làm việc của công nhân, nếu phát hiện lỗi sẽ chủ động đề nghị sửa chữa ngay. Tham gia giải quyết các khiếu nại của khách hàng liên quan đến chất lượng sản phẩm. PQC cũng sẽ tham gia vào quá trình phát triển sản phẩm mới, hàng mẫu,…
Đối với nhân viên kiểm soát chất lượng đầu ra (OQC): Tham gia cùng các bộ phận khác xây dựng quy chuẩn chất lượng sản phẩm. Trực tiếp kiểm tra sản phẩm, thông qua những sản phẩm đảm bảo yêu cầu về chất lượng cũng như chuyển những sản phẩm lỗi, không đạt yêu cầu trở về cho bộ phận PQC để xử lý. OQC cũng trực tiếp giải quyết các vấn đề liên quan đến chất lượng sản phẩm với khách hàng.
- Nhân viên QA bao gồm những công việc nào
Nhân viên QA sẽ trực tiếp tham gia vào quá trình xây dựng hệ thống quản lý chất lượng sản phẩm theo các tiêu chuẩn quốc tế đã có cho doanh nghiệp, bao gồm những danh mục như sổ tay chất lượng, quy trình hệ thống chất lượng, các biểu mẫu quản lý chất lượng,…
Bên cạnh đó, nhân viên QA cũng phải thực hiện các công việc đánh giá hệ thống quản lý chất lượng của công ty hàng năm. Cũng như cập nhật các tiêu chuẩn chất lượng mới và bổ sung vào hệ thống quản lý chất lượng hiện tại của công ty.
Nhân viên QA sẽ phối hợp cùng QC trong việc triển khai, kiểm soát quy trình sản xuất, sản phẩm đúng chất lượng như quy định. Phối hợp cùng bộ phận sản xuất, bán hàng giới thiệu các sản phẩm, hệ thống quản lý chất lượng của công ty đến khách hàng khi có yêu cầu.
Ngoài ra, nhân viên QA cũng sẽ thực hiện một số các công việc khác như đề xuất ý kiến, cải tiến sản phẩm, đánh giá chất lượng nguyên vật liệu từ các đối tác, nhà cung ứng,…
Như vậy, chúng tôi đã giới thiệu đến bạn những thông tin liên quan đến QC là gì? QA là gì? Với bài viết này mong rằng giúp bạn phân biệt được sự khác nhau giữa hai vị trí vốn có nhiều điểm tương đồng là QC và QA.